Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều biến động như: xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền xảy ra ở nhiều khu vực; tình hình chính trị căng thẳng leo thang, các nước không ngừng chạy đua vũ trang; nguy cơ bất ổn, chiến tranh luôn rình rập, đe dọa tới nền hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Việc đảm bảo tiềm lực, duy trì sự ổn định nền an ninh Quốc phòng trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các quốc gia. Đi cùng với sự phát triển của công nghệ là những đòi hỏi ngày càng cao đối với các loại trang, thiết bị quân sự. Từ đó, nhiệm vụ từng bước hiện đại hóa cho Quân đội đặt ra những bài toán cấp thiết, cần lời giải cho nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
Phần lớn các trang thiết bị quân sự hiện đại đang được biên chế, sử dụng trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Việc mua sắm, bảo dưỡng, thay thế những trang bị này ngày càng trở nên đắt đỏ và khó khăn (do nhiều thủ tục, pháp lý phức tạp, có thể gây ra căng thẳng ngoại giao, ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột vũ trang…). Vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo các trang, thiết bị quân sự trong nước thay thế dần cho các chủng loại nhập khẩu đang trở thành một hướng đi hiệu quả, ổn định, lâu dài và được khuyến khích, đầu tư.
Hình ảnh: Thùng dầu mềm cho máy bay SU-22
Nhà máy Z175/Tổng cục CNQP đã nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều dòng sản phẩm thùng dầu mềm cho các chủng loại thiết bị bay khác nhau đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các đơn vị trong Quân đội. Khác với các loại thùng đựng dầu truyền thống làm bằng kim loại, bình chứa nhiên liệu cho các thiết bị bay như UAV, trực thăng K28, K-32, máy bay SU, AH… không có khung đỡ cứng, phần vỏ được làm bằng vật liệu cốt vải tráng cao su vừa đóng vai trò là lớp áo bảo vệ, vừa có vai trò như khung định hình cho sản phẩm. Điều này giúp cho khối lượng sản phẩm nhẹ đi rất nhiều đồng thời có thể linh hoạt lắp đặt trên thân các loại thiết bị bay vốn có không gian tận dụng nhỏ hẹp, phức tạp. Trải qua quá trình sản xuất cũng như sử dụng thực tế có thể thấy, chất lượng vải tráng cao su là yếu tố chính quyết định tới chất lượng của sản phẩm thùng dầu mềm.
Hình ảnh: Thùng dầu mềm cho máy bay trực thăng K-28, K-32
Từ những năm 2000, Nhà máy Z175 đã từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ cán tráng cao su lên vải cốt. Hiện nay, Nhà máy đang sở hữu hai hệ thống máy cán tráng hiện đại, đặc biệt là hệ thống máy cán tráng, phủ phết cao su lỏng chuyển giao từ Liên bang Nga, cho phép kiểm soát độ dày của lớp cao su từ 0,01mm một cách chính xác. Với công nghệ này, cao su có thể thấm sâu, bao phủ đồng đều lên bề mặt, tạo độ bám dính rất tốt với cốt vải nền, cuối cùng, tạo ra loại vật liệu vừa bền về mặt cơ học, vừa có khả năng chống thấm nhiên liệu tốt, phù hợp với điều kiện làm việc khắc nghiệt trong những lần bay của các loại thiết bị./.